Những điều cần biết khi xây nhà. Làm nhà là một trong nhưng công việc hệ trọng của đời người, vì vậy mà các cụ xưa đã có câu: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”. Trong khuôn khổ bài viết chúng tôi xin tổng hợp từ A-Z những việc cần làm khi chúng ta xây nhà và phân tích chi tiết.
Trước khi tiến hành các việc thiết kế, thi công, vật liệu… thì đầu tiên chúng ta quan tâm tới việc xin cấp phép xây dựng, với những ngôi nhà ở khu đô thị, quy hoạch, phố, việc xin cấp phép xây dựng là bắt buộc, tránh tình trạng một số CĐT không xin phép dẫn tới việc thanh tra và sẽ rất ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng công trình ( do kéo dài hoặc bị tháo dỡ)
– Với các chủ đầu tư quan tâm phong thủy thì cần tham khảo các chuyên gia tư vấn phong thủy, tham khảo hướng nhà hợp với chủ nhà ( thông thường lấy theo người đàn ông, chủ gia đình). Ngoài ra tham khảo thêm tuổi làm nhà ( đảm bảo 3 yếu tố tam tai, kim lâu và hoang ốc).
Phần 1: Dự trù kinh phí xây dựng
Tại sao phải ước tính chi phí:
• Bạn có quyền hưởng thụ đúng giá trị của căn nhà, do đó ước tính được chi phí xây dựng ngay từ đầu là điều quan trọng để tránh xích mích với nhà thầu khi xây nhà sau này cũng như quyết định được mức độ đầu tư như thế nào là phù hợp.
• Thông thường có 2 loại chi phí chính cần ước tính:
a. Ước tính chi phí xây dựng phần thô
Phần thô theo đơn giá vật tư và nhân công năm nay (2016) có giá trị khoảng 2,7 triệu/m2 sàn đến 3 triệu/m2 sàn tuỳ chất lượng vật liệu. “Phần thô” thường được tính là phần bê tông, xây, trát hồ; cộng với nhân công làm phần thô và hoàn thiện.
b. Ước tính chi phí trang trí nội thất
Bạn có thể tính phần này bao gồm chi phí để mua gạch ốp lát, sàn gỗ, thiết bị nhà tắm, bếp ga, bếp điện, máy lạnh, bàn ghế sô-pha, đèn trang trí,rèm cửa và các trang thiết bị gia dụng khác cần sắm mới.
Lý do chúng tôi đề nghị bạn tính riêng loại chi phí này vì đây là phần rời và hoàn toàn có thể được trang bị sau khi phần thô ngôi nhà hoàn thành.Thời gian trang bị thêm những đồ này không phụ thuộc vào thời gian xây thô mà phụ thuộc vào mức độ “chịu chơi” của bạn. Tuy nhiên, cũng xin chia sẻ kinh nghiệm rằng, chi phí hoàn thiện này có giá thông thường khoảng 2triệu/m2 ~ 5triệu/m2 xây dựng
Có thể nôm na phần hoàn thiện này cho dễ hình dung như sau: Bạn đầu tư 3 triệu/m2 thì tương đương với Khách sạn tiêu chuẩn 3 sao. Bạn đầu tư 5 triệu/m2 thì tương đương với Khách sạn tiêu chuẩn 5 sao.
Thực tế là việc xây nhà sẽ có phát sinh, nhưng nếu được thiết kế kĩ lưỡng và thoả thuận được danh sách cụ thể từng món vật tư bỏ vào công trình thì phát sinh chỉ 5%-10%.
Ví dụ ước tính phí xây dựng: Nhà có diện tích xây dựng 80m2, quy mô 1 trệt 2 lầu 1 sân thượng thì:
Phần móng cơ bản: 100 triệu đồng
Phần thô: 4 x 80 m2 x 2.8 triệu/m2 = 896 triệu đồng
Hoàn thiện: 320m2 x 3 triệu/m2 = 960 triệu đồng đồng
Vậy tổng kết chi phí là: 1956 triệu đồng
Với con số ước tính cơ bản khoảng 2 tỷ này bạn sẽ yên tâm hơn khi trao đổi nhu cầu của mình từ kiến trúc sư thiết kế đến nhà thầu thi công.
Phần 2: Làm việc với kiến trúc sư (KTS)
• Trước hết, bạn cần hiểu được những nhu cầu cơ bản của gia đình về ngôi nhà mới như: số lượng phòng, diện tích và vị trí của phòng, phong cách và vật dụng trang trí nội thất sẽ sử dụng, không gian dự trữ, phòng thờ, nhà xe, vườn nhỏ, sân phơi, bồn chứa nước….
• Lưu ý về những thay đổi trong tương lai, ví dụ như đám cưới và gia đình sẽ có thêm người,v.v..
• Nên tham khảo tất cả các thành viên trong gia đình trước khi thông qua những kế hoạch lần cuối.
• Sắp xếp theo thứ tự ưu tiên tất cả thông tin được đề cập ở trên Sau khi đã có đủ thông tin trên, giờ là lúc bạn phải tiến hành làm việc với kiến trúc sư.
Mô tả chi tiết nhu cầu của bạn và gia đình.
Trình bày với KTS về ý tưởng thẩm mỹ của bạn và gia đình nếu có.
Trình bày rõ những băn khoăn hay thắc mắc của bạn liên quan đến việc đó.
Nếu có sở thích hay điều tối kỵ nào liên quan đến căn nhà ( chẳng hạn vấn đề phong thuỷ như: hướng nhà, hướng đất, cách bố trí phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ cúng v.v..) bạn cũng nên thảo luận cùng KTS ở bước này.
Sau khi trình bày ý kiến của bạn, nên lắng nghe lời khuyên của KTS nếu yêu cầu đó không phù hợp yêu cầu mỹ thuật và độ an toàn.
Nên tìm hiểu qua những thuật ngữ xây dựng và hạn chế can thiệp vào phần xử lý chuyên môn khi KTS đưa ra phương án.
Một số bản vẽ chủ yếu:
Một bộ hồ sơ bản vẽ đầy đủ bao giờ cũng giúp cho việc thi công hoàn thiện công trình trở nên dễ dàng hơn nhiều. Xin đưa ra một số bản vẽ chủ yếu để các bạn tham khảo:
a. Phần phối cảnh minh hoạ:
Bao gồm phối cảnh công trình nhìn từ chính diện, các phối cảnh góc minh hoạ, phối cảnh nội thất bên trong nhà của phòng khách, phòng ăn, bếp, các phòng ngủ, khu phụ, tiểu cảnh một số điểm nhấn trang trí đặc biệt, phối cảnh nội thất sân vườn (nếu có)…
Phần phối cảnh này giúp cho chủ nhà dễ dàng hình dung về không gian thực tế sau khi ngôi nhà được xây dựng, và có những tiên liệu chính xác về cách bài trí đồ đạc, sử dụng vật liệu, bố trí ánh sáng, chọn màu sơn.v.v..
b. Phần bản vẽ kỹ thuật:
Bao gồm 03 bộ hồ sơ chính như sau:
Hồ sơ xin phép xây dựng: bao gồm các bản vẽ chính là bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt cắt, mặt đứng,bản vẽ móng, sơ đồ cấp điện nước và thoát nước.
Hồ sơ thiết kế sơ bộ: bao gồm các mặt bằng triển khai chi tiết, các mặt đứng, mặt cắt, và một số bản vẽ phối cảnh.
Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công: đây là bộ hồ sơ sau cùng, hoàn chỉnh nhất, làm căn cứ chủ yếu để tiến hành thi công công trình. Hồ sơ bao gồm các phần:
Toàn bộ các bản vẽ mặt bằng các tầng, mặt bằng mái, mặt bằng trần, mặt bằng lát sàn từng tầng.
Toàn bộ các bản vẽ mặt cắt qua nhà ( ít nhất 02 mặt cắt), các mặt đứng của nhà.
Các bản vẽ triển khai cấu tạo trong nhà ( cấu tạo thang, cửa, chi tiết trang trí, các khu vệ sinh, ban công…)
Các bản vẽ kỹ thuật điện, cấp thoát nước, điện thoại, chống sét, máy điều hoà..
Các bản vẽ tính toán kết cấu móng, cột, dầm, sàn, lanh tô… Hồ sơ thiết kế kỹ thuật thi công này càng chi tiết bao nhiêu thì càng ít xảy ra xung đột với nhà thầu sau này.
Kinh nghiệm chia sẻ:
Không bao giờ hồ sơ kiến trúc và khai triển có thể khớp hoàn toàn 100%, do đó để đảm bảo cho những chi tiết của thiết kế mà bạn và KTS đã thống nhất, bạn có thể sử dụng những hình vẽ minh hoạ, hình vẽ 3D để ràng buộc trong hợp đồng với nhà thầu thi công về sau.
Tiến hành lập hồ sơ xin phép xây dựng:
Phần thủ tục xin phép xây dựng đơn giản: Bạn yêu cầu bên thiết kế lập hồ sơ xin phép xây dựng cho bạn đúng với quy định hiện hành và Quy hoạch từng khu vực. Sau khoảng tầm 3 tuần, nếu không vi phạm quy định gì thì bạn sẽ được cấp Giấy phép xây dựng.
Nhiệm vụ chính của công tác giám sát:
Kiểm tra công việc và chất lượng thi công của nhà thầu.
Theo dõi vật tư, yêu cầu nhà thấu thực hiện đúng định mức vật tư, tránh lãng phí hoặc không đảm bảo chất lượng.
Tiến hành nghiệm thu từng hạng mục công việc, thúc đẩy thi công đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
Kiểm tra thực hiện an toàn lao động.
Giám sát:
Tự giám sát: Chủ nhà có thể là người “đóng vai” giám sát, hoặc nhờ người thân đảm nhận việc giám sát nếu có chuyên môn và hiểu biết thật sự về xây dựng.
Thuê công ty tư vấn giám sát: Đây là những đơn vị có chuyên môn và giấy phép hành nghề giám sát theo quy định luật pháp.
Vì sao ta cần bên giám sát:
Vì đây là bên thay mặt và bảo vệ quyền lời chủ nhà đồng thời họ cũng đủ trình độ và chuyên môn để nói chuyện “kỹ thuật” với nhà thầu, đảm bảo thi công đúng chất lượng.
Tuỳ thuộc vào gói thầu mà phần việc của giám sát có bao gồm giám sát vật tư hay không.
Kinh nghiệm chia sẻ: Bạn nên tránh việc thuê đơn vị giám sát do chủ thầu giới thiệu để đảm bảo tính khách quan. Hãy hỏi người thân hoặc tham khảo ý kiến từ kiến trúc sư thiết kế.
Chương 3: Tiến hành xây dựng
Lựa chọn phương án móng:
1. Phương án móng cọc bê tông thường
Ưu điểm :
Khả năng chịu lực tương đối lớn, có khả năng cắm sâu vào lớp đất tốt ;
Thi công dễ dàng không đòi hỏi kỹ thuật cao;
Không gây chấn động làm phá hoại vùng đất xung quanh cọc. và không ảnh hưởng đến công trình xung quanh;
Các đoạn cọc được chế tạo tại chổ hay mua từ các đơn vị sản xuất nên dễ dàng kiểm tra đƣợc chất lượng cọc.
Nhược điềm:
Đối với những công trình chịu tải lớn thì số lượng cọc tăng lên hoặc phải tăng kích thước dẫn đến chi phí thi công đài cọc tăng lên hoặc tiết diện cọc quá lớn không thể ép xuống được;
Quá trình ép cọc thường xảy ra sự cố gặp các lớp đất cứng, đá cuội hay đụng phải các tảng đá mồ côi mà trong khi khoan địa chất không phát hiện được. Các sự cố thường gặp khi ép cọc nhƣ : cọc bị chối khi chưa đến độ sâu thiết kế, cọc bị gãy trong quá trình ép . . . ;
Quá trình thi công kéo dài do thời gian dịch chuyển bệ ép tốn nhiều thời gian;
Không kiểm soát được sự làm việc các mối nối.
2. Phương án móng cọc ly tâm ứng suất trước
Ưu điểm:
Rút ngắn tiến độ và công đoạn thi công: Với sức chịu tải lớn của cọc nên có thể giảm thiểu đựơc số lượng cọc cần thiết trong thiết kế, tiết kiệm được thời gian vận chuyển, thuận lợi cho việc thi công cọc và công tác làm kết cấu đài móng;
Hạ thấp chi phí thi công: Rõ ràng với đặc tính tải trọng dọc trục lớn hơn cọc vuông và cọc ly tâm thường, do đó có thể đóng sâu vào đất, tận dụng được tối đa khả năng chịu tải làm giảm tổng chiều dài cọc, làm giảm được số lượng tim trong mỗi đài móng, tiết kiện được nguyên vật liệu, chí phí nhân công, thiết bị cơ giới vv…..;
Hiệu quả kinh tế trong thiết kế: Trong thiết kế xây dựng nền móng thường ngƣời ta tính đến sức chịu tải của cọc và lực chấn động ngang phòng ngừa sự cố do thiên tai nhƣ động đất gây ra. Với các đặc tính chịu tải tốt, sức chịu uốn cao nên đây là ưu thế của loại cọc PHC trong xu hướng thiết kế xây dựng nền móng hiện nay;
Sức chịu uốn: Với sự kết hợp giữa bê tông và thép chủ cường độ cao đồng thời sử dụng với lực căng thép thích hợp nên sức chịu uốn của cọc bê tông sẽ được tăng cường. Đặc biệt sau khi thi công sức chịu uốn của cọc bê tông sẽ cao hơn rất nhiều so với các loại cọc thép cũng như các loại cọc không dự ứng lực;
Sức chịu tải: Do cọc PHC được ứng suất trước kết hợp với quay li tâm nên làm cho sản phẩm cọc đặc chắc, chịu được tải trọng cao, chống thấm tốt. Vì vậy cọc PHC sử dụng phù hợp với các vùng ven biển, nước mặn, vùng có địa chất yếu;
Đặc tính chống ăn mòn: Cọc PHC có đặc tính chống ăn mòn rất cao, tốc độ ăn mòn của bê tông không tới 0.05mm/năm trong môi trường tự nhiên, tốc độ ăn mòn của muối tự nhiên, tốc độ ăn mòn của muối axit là 0.01mm/năm, mà tốc độ ăn mòn trung bình của loại cọc thép thường dưới môi trường nước biển là 0.3mm/năm. Do đó đặc tính chống ăn mòn của cọc bê tông sẽ tốt hơn so với loại cọc thép khác.
Nhược điểm:
Do sử dụng bê tông và thép cường độ nên chí vật liệu hơn so với cọc thông thường cùng tiết diện;
Công nghệ sản xuất phức tạp, nên đòi hỏi đội ngũ công nhân lành nghề;
Phải sử dụng các thiết bị chuyên dùng để thi công ép và đóng cọc;
Chi phí đầu tới dây chuyền sản xuất lớn;
Hạn vận còn hạn chế chiều sâu ép cọc vào trong đất sơ với phương cọc khoan nhồi.
3. Phương án móng cọc khoan nhồi
Ưu điểm :
Khả năng chịu tải trọng lớn, sức chịu tải của cọc khoan nhồi có thể đạt đến 10000kN nên thích hợp với các công trình nhà ở cao tầng, các công trình có tải trọng tương đối lớn
Không gây ảnh hưởng chấn động đến các công trình xung quanh, thích hợp cho việc xây chen ở các đô thị lớn, khắc phục được các nhược điểm trong điều kiện thi công hiện nay;
Có khả năng mở rộng đượng kính và chiều dài cọc đến mức tối đa. Hiện nay có thể sử dụng các cọc khoan nhồi có đường kính tù 600 2500mm hoặc lớn hơn(cọc khoan nhồi móng trụ cầu ở Cần thơ có đường kính 3000mm, sau 98m. Chiều sâu của cọc khoan nhồi có thể hạ đến độ sau 100m (trong điều kiện kỹ thuật thi công ở Việt Nam). Trong điều kiện thi công cho phép, có thể mở rộng đáy cọc với các hình dạng khác nhau như các nước phát triển đã thử nghiệm;
Lượng thép bố trí trong cọc khoan nhồi thường ít hơn so với cọc đóng do trong cọc khoan nhồi cốt thép chủ yếu dùng để chịu tải trọng ngang (đối với các móng cọc đại cao);
Có khả năng thi công cọc khi qua các lớp đất cứng nằm xen kẻ.
Nhược điểm:
Theo tổng kết sơ bộ, đối với nhữ ng công trình là nhà cao tầng không lớn lắm( dƣới 12 tầng), kinh phí xây dựng nền móng thường lớn hơn 2 -2.5 khi so sánh với các cọc ép. Tuy nhiên nếu số lượng tầng lớn hơn dẫn đến tải trọng công trình lớn thì giải pháp cọc khoan nhồi lại trở thành giải pháp hợp lý;
Công nghệ thi công đòi hỏi kỹ thuật thuật cao, để tránh các hiện tượng phân tầng(có lổ hổng trong bêtông) khi thi công đổ bêtông dưới nước có áp, các dòng thấm lớn hoặc di qua các lớp đất yếu có chiều dày lớn (các loại bùn, các loại hạt cát nhỏ, các bụi bão hoà thấm nước);
Biện pháp kiểm tra chất lượng bêtông trong cọc thường phức tạp gây nhiều tốn kém khi thực thi chủ yếu sử dụng phương pháp thử tĩnh, và siêu âm một số cọc thử để kiểm tra chất lượng bêtông cọc;
Việc khối lượng bêtông thất thoát trong quá trình thi công do thành lỗ khoan không bảo đảm và dễ bị sập hố khoan trước khi đổ bêtông gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng thi công cọc;
Ma sát bên thân cọc có phần giảm đi đáng kể so với cọ đóng và cọc ép do công nghệ khoan tạo lỗ.
Lựa chọn vật liệu xây thô:
Xi măng: là thành phần quan trọng nhất trong công tác xây, tô và đổ bê tông
Chọn xi măng thích hợp sẽ đảm bảo sự vững chắc cho công trình xây dựng.
Nên lựa chọn nhãn hiệu xi măng uy tín, có danh tiếng và được sự tin tưởng của nhà thầu cũng như kiến trúc sư.
Cát:
Cách phân biệt cát chất lượng:
Cát chất lượng có thể đựơc xác định một cách dễ dàng bằng cách lấy một vốc cát rồi nắm tay lại. Bất kì chất bẩn nào ( như bùn) sẽ dính lại vào lòng bàn tay bạn. Trong cát sẽ có đất sét,sạn hay các chất bẩn khác có thể sẽ làm ảnh hưởng đến công trình. Chúng cần được sàng lọc ra khỏi cát trước khi sử dụng.
Một phương pháp kiểm tra khoa học hơn cách trên là đổ cát vào nửa bình thuỷ tinh, thêm một ít nước vào rồi quấy lên.Cát sẽ lắng xuống đáy, các chất bẩn sẽ xuất hiện rõ. Có một nguyên tắc là nếu hàm lượng bùn hoặc bụi bẩn vượt quá 3% tổng trọng lượng cát thì cát đó cần được làm sạch trước khi sử dụng. Tóm lại, cát chất lượng là cát không thể chứa đất sét, chất bẩn mica hay vỏ sò…..
Không nên sử dụng cát nhiễm phèn hoặc nhiễm mặn trong bê tông và xây tô.
Đá:
Cốt liệu thô thường là những viên đá nhỏ tăng thêm sức chịu lực cho bê tông. Đá sử dụng cho bê tông thông dụng hiện nay là đá 1×2 (kích thước hạt lớn nhất là 20mm-25mm).
Cốt liện đá phải sạch tạp chất khi đưa vào trộn bê tông. Trong khi lựa chọn đá, bạn cần lưu ý những yếu tố sau:
• Đá thông dụng có dạng hình khối
• Không có nhiều tạp chất và ít thành phần hạt dẹt.
Nước: Nên sử dụng nước máy sạch
Bê tông: nên dùng bê tông tươi của các đơn vị trộn chuyên nghiệp. Bạn nhớ lấy mẫu bê tông lúc đổ để đi thí nghiệm nếu đạt chất lượng đúng mác thiết kế mới thanh toán tiền.
Gạch: Màu gạch phải đều, viên gạch thẳng, đồng chất.
Thép: nên tìm những loại thông dụng nhất, giá hợp lý vừa túi tiền và chất lượng đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng
Chương 4: Kiểm Tra, Nghiệm Thu, Hoàn Công
1. Kiểm tra:
Việc kiểm tra phải được thực hiện từ trong quá trình xây nhà, giám sát viên hoặc chủ nhà nên thường xuyên kiểm tra khối lượng, chất lượng, quy cách, kiểu dáng.
Khi công trình hoàn thành và trước khi nhận bàn giao, chủ nhà nên cùng giám sát và chủ thầu kiểm tra đối chiếu lại cùng bản vẽ chi tiết.
2. Nghiệm thu:
Việc nghiệm thu phải được thực hiện đối với từng công việc, từng bộ phận , từng hạng mục công trình, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
Các bộ phận bị che khuất của công trình phải được nghiệm thu và bản vẽ hoàn công trứơc khi tiến hành các công việc tiếp theo.
3. Hoàn công:
Ở Việt Nam, theo quy định của Luật xây dựng quy định về nghiệm thu, bàn giao xây dựng công trình thì phải nghiệm thu từng công việc, từng bộ phận, từng giai đoạn, từng hạng mục công trình, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Riêng các bộ phận bị che khuất của công trình phải được nghiệm thu và vẽ bản vẽ hoàn công trước khi tiến hành các công việc tiếp theo.
Nhà thầu thi công xây dựng công trình có trách nhiệm hoàn thiện thi công xây dựng, thu dọn hiện trường, lập bản vẽ hoàn công và chuẩn bị các tài liệu để phục vụ việc nghiệm thu công trình và bàn giao công trình. Các hạng mục công trình xây dựng hoàn thành và công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào sử dụng sau khi được chủ đầu tư nghiệm thu.
Chủ đầu tư xây dựng công trình có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu, tiếp nhận công trình xây dựng. Người tham gia nghiệm thu, bàn giao công trình phải chịu trách nhiệm cá nhân về sản phẩm do mình xác nhận trong quá trình thi công xây dựng công trình và bàn giao công trình xây dựng.
Thành phần trực tiếp nghiệm thu, gồm:
Chủ đầu tư
Nhà thầu thi công xây dựng công trình
Đơn vị Tư vấn giám sát thi công xây dựng công trình
Nhà thầu thiết kế xây dựng công trình tham gia nghiệm thu theo yêu cầu của chủ đầu tư xây dựng công trình
Hồ sơ hoàn công
Hồ sơ xin các nhận công trình hoàn công (thủ tục hoàn công) gồm các thành phần
Giấy báo kiểm tra công trình hoàn thành theo mẫu quy định
Giấy phép xây dựng nhà ở, kèm theo bản vẽ thiết kế xây dựng nhà.
Bản vẽ hiện trạng hoàn công.
Bản hợp đồng thi công với đơn vị có giấy phép hành nghề kèm 1 bản sao giấy phép hành nghề của đơn vị thi công. Hoặc biên lai thu thuế xây dựng.
Riêng tại một số quận huyện ở Thành phố Hồ Chí Minh còn yêu cầu người dân khi làm thủ tục hoàn công phải nộp thêm các giấy tờ sau:
Bản vẽ hoàn công nhà ở
Biên bản kiểm tra định vị móng
Hợp đồng xây dựng
Hóa đơn xây dựng.
Nơi nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng đối với những công trình xây dựng cấp đặc biệt, cấp 1, công trình tôn giáo, di tích lịch sử, miếu đình, tượng đài, quảng cáo, tranh hoành tráng, công trình trên các tuyến, trục đường chính
Đối với nhà ở riêng lẻ của người dân và các công trình xây dựng khác thuộc địa giới hành chính quận, huyện thì nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân quận, huyện. Đối với nhà ở riêng lẻ ở điểm khu dân cư nông thôn đã có quy hoạch xây dựng thuộc địa giới hành chính xã thì nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tại một số địa phương, việc kiểm tra hoàn công của cơ quan chức năng được thực hiện trên cơ sở đề nghị của chủ đầu tư (báo hoàn công). Khi này, công trình có thể chỉ mới xây dựng xong phần thô hoặc đã hoàn thiện, chấm dứt mọi hoạt động liên quan đến xây dựng công trình. Với trường hợp kiểm tra hoàn công tại thời điểm công trình đã dừng mọi hoạt động xây dựng, việc phát hiện và xử lý xây dựng sai phép hoàn toàn không khó.
Trách nhiệm các bên
Theo nguyên tắc chung thì chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và nhà thầu xây dựng phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Cơ quan nhà nước chỉ yêu cầu chủ nhà xuất trình lý lịch căn nhà (trong đó có biên bản hoàn công) khi có sự cố công trình xảy ra. Biên bản hoàn công có giá trị pháp lý là biên bản có đủ xác nhận của chủ đầu tư (ký tên), tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng (đóng dấu, ký tên) hoặc tư vấn giám sát (nếu có).
Trường hợp công trình có thay đổi so với giấy phép, ngoài bản vẽ đã lập trước đó, chủ đầu tư phải liên hệ đơn vị tư vấn thiết kế có chức năng lập lại bản vẽ thực tế, gồm các thành phần mặt bằng, mặt cắt công trình thể hiện tỉ lệ 1/100, có ghi chú rõ các phần xây dựng ngoài giấy phép.
Cơ quan chức năng cấp phép xây dựng chỉ quản lý chất lượng sau khi công trình hoàn thành, trách nhiệm về chất lượng công trình được chuyển giao cho chủ đầu tư và các đơn vị tham gia trong quá trình xây dựng công trình. Nhà nước chỉ đưa ra các tiêu chí như tầng cao, lộ giới, khoảng lùi, phòng cháy chữa cháy…
Đối với diện nhà ở riêng lẻ, theo quy định trong vòng 12 tháng sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư phải lập thủ tục đăng ký quyền sở hữu công trình. trong thời gian kể từ khi hoàn công đến khi đăng ký quyền sở hữu, nếu công trình phát sinh hạng mục nào ngoài giấy phép, chủ đầu tư phải liên hệ vẽ lại bản vẽ theo đúng hiện trạng và phải chịu xử lý vi phạm hành chính trước khi được xem xét để chứng nhận quyền sở hữu.